Thứ Hai, 22 tháng 9, 2014

ĐIỀU TRỊ SỎI MẬT BẰNG Y HỌC CỔ TRUYỀN

Sỏi mật là bệnh đường mật có sỏi, phát sinh ở bất kỳ bộ phận nào ở hệ thống túi mật (túi mật, ống mật). Bệnh đã được biết tới từ rất lâu và khá phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng phần lớn ở tuổi 30-55, càng nhiều tuổi càng dễ bị sỏi mật. Bệnh gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới.
Triệu chứng lâm sàng chủ yếu là đau ở vùng hạ sườn bên phải có thể kèm theo sốt hoặc vàng da. Sỏi mật thường kèm theo viêm túi mật hoặc ống mật. Triệu chứng lâm sàng của sỏi mật tùy thuộc vào vị trí, tính chất, kích thước to nhỏ và biến chứng của bệnh. Có thể do trạng thái tinh thần kích động, chế độ ăn uống (ăn nhiều chất nóng, uống rượu...), thời tiết thay đổi, nóng lạnh thất thường ảnh hưởùng nhiều đến cơn đau tái phát. Diễn tiến bệnh có thể chia làm 2 thời kỳ: phát cơn đau và ổn định.
Sỏi mật theo thành phần có thể chia ra sỏi Cholesteron và sỏi Sắc tố mật.
Y học cổ truyền gọi Sỏi mật là Chứng Đởm Thạch. YHCT cho rằng, thạch đởm là do can uất khí trệ,  ăn uống không điều độ sinh thấp nhiệt kết lại ở can đởm hoặc do ngoại cảm thấp nhiệt mà thành bệnh.
Điều Trị
Sỏi mật, có nhiều thể khác nhau với các triệu chứng và bài thuốc khác nhau để chữa trị. Trên lâm sàng, bệnh được chia làm 4 thể chính, trong đó điều trị Y học cổ truyền chủ yếu là 2 thể khí trệ và thấp nhiệt, đối với 2 thể còn lại cần điều trị kết hợp với Y học hiện đại:
1. Thể khí trệ:
- Triệu chứng: Đau vùng hạ sườn phải âm ỉ hoặc đau quặn từng cơn kèm buồn nôn, nôn mửa và các triệu chứng đầy bụng, sôi bụng, ợ hơi xảy ra sau khi ăn, miệng đắng không muốn ăn, có thể kèm theo hoàng đản (vàng da) và sốt nhẹ. Lưỡi trắng mỏng, mạch huyền khẩn.
- Phép trị: Hành khí, giải uất, thông lâm
- Phương thuốc: Dùng 1 trong các bài thuốc sau
* Sài hồ sơ can thang gia vị
Sài hồ 10g           Bạch thược 12g        Xuyên khung 10g
Thanh bì 10g            Chỉ thực 12g             Hương phụ 12g
Kim tiền thảo 40g     Uất kim 12g        Cam thảo 10g                Kê nội kim 15g
Sắc uống ngày 1 thang
* Việt cúc hoàn gia vị:
Xuyên khung      8 g       Thương truật  12 g          Chi tử       12 gam
Hương phụ  12 g              Lục khúc 12 g          Nhân trần 12g
Uất kim 12g
2. Thể thấp nhiệt:
- Triệu chứng: đau tức vùng hạ sườn phải, miệng đắng, họng khô, buồn nôn kèm sốt, sợ lạnh, mắt vàng, da vàng, nước tiểu đỏ, rêu lưỡi vàng dày, nhớt, mạch huyền hoạt sác.
- Phép trị: thanh nhiệt trừ thấp thoái hoàng
- Phương thuốc: Dùng 1 trong các bài thuốc sau
1. Đại Sài hồ thang gia giảm:
Sài hồ 8 g            Đại hoàng 6g Bán hạ chế 8 g     Sinh khương 12 g
Hoàng cầm 8 g          Chỉ thực 12g  Bạch thược 12g
Đại táo 16 g               Kê nội kim 12g    Nhân trần 12g
2. Long đởm tả can thang gia giảm
Long đởm thảo 12g   Sài hồ 8g        Chi tử 8g
Sinh địa 10g       Sa tiền tử 12g Hoàng cầm 10g
Đương quy 12g         Trạch tả 12g        Kim tiền thảo 40g
Nhân trần 12g          Đại hoàng 4 g Uất kim 12g
Cam thảo 10g
Sắc uống ngày 1 thang
3. Thể nhiệt độc nội thịnh
Triệu chứng: Bụng sườn quặn đau đầy trướng không cho sờ, sốt cao rét run,  hoàng đản, đại tiện táo, tiểu tiện đỏ, ra nhiều mồ hôi, hôn mê nói sảng, chất lưỡi đỏ sẫm, rêu lưỡi vàng dày, mạch tế sác.
4. Thể chính hư tà hãm
Triệu chứng: bụng đau âm ỉ kéo dài , tinh thần rối loạn hoặc hôn mê , giọng nói yếu , da vàng , tối , có những vết bầm tím và dễ chí chảy máu, bụng hơi trướng , gan to, nước tiểu ít màu vàng, đại tiện táo, lưỡi khô đỏ sẫm hoặc tím, mạch huyền sác.
Ngoài ra trong dân gian có những phương thuốc đơn giản, dễ sử dụng lại đem lại hiệu quả khá tốt cho những trường hợp sỏi nhỏ hoặc phòng ngừa sỏi mật tái phát:
-         Nước táo ép ngày 2-3 cốc
-         Râu ngô, Bồ công anh, Nhân trần mỗi thứ 16 g sắc uống hang ngày
-         Rễ cỏ tranh rửa sạch, phơi khô, sao lên; mỗi ngày sắc 30-40 g uống
-         Kim tiền thảo 30 g sắc uống hang ngày

-         Kim tiền thảo, nhân trần, lá đinh lăng, rễ cỏ tranh, rau má mỗi vị 200g rửa sạch, cắt ngắn phơi khô, trộn đều, bảo quản tránh mốc, tránh ẩm. Ngày dùng 30 - 40g hãm với nước sôi uống.