Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

Giác hơi chữa bệnh


Giác hơi chữa bệnh
Trong YHCT, bên cạnh châm cứu xoa bóp giác hơi là phương pháp rất phổ biến phòng và chữa bệnh. Khoảng 2000 năm trước ông cha ta đã biết dùng sừng (giác) của động vật khoét rỗng để hút mủ ở mụn nhọt nên còn gọi là giác hút, sau đó được phát triển để chữa các bệnh khác. Ngày nay giác hơi sử dụng chủ yếu các ống làm bằng các chất liệu như ống trúc, sứ, thủy tinh và ống giác chân không. Khi chữa bệnh bằng giác hơi người ta dụng cụ hút chân không hoặc dùng lửa đốt vào lòng ống giác cho không khí nở ra, sau đó úp nhanh vào các bộ phận, huyệt vị. Tác dụng kích thích cơ học tại chỗ, áp suất âm và tác dụng nhiệt sẽ làm giãn mạch máu, kích thích thần kinh, giãn cơ, sơ thông kinh lạc, có tác dụng chữa bệnh.
Giác hơi có thể được sử dụng trong các trường hợp sau:
-         Cảm mạo do lạnh, bệnh đường hô hấp: viêm phế quản, hen suyễn.
-         Bệnh đường tiêu hóa: đau bụng đầy bụng do lạnh, đại tiện phân lỏng nhão.
-         Hệ cơ xương khớp: đau vai, đau lưng, đau gáy, đau cổ, đau tay do lạnh.
-         Bệnh hệ thần kinh: đau đầu, đau thần kinh liên sườn, đau thần kinh tọa
-         Bệnh phụ khoa: thống kinh, bế kinh, bạch đới.
Giác hơi có tác dụng làm thư giãn nên được nhiều người ưa thích nhưng cũng không đến mức gây nghiện.
            Những trường hợp không nên giác hơi:
-         Người có thể chất quá yếu
-         Phụ nữ có thai hoặc đang hành kinh
-         Người có bệnh tim, bệnh thận, phổi, bệnh ưa chảy máu, người dễ bị xuất huyết dưới da, bệnh da toàn thân, ung thư, bệnh da liễu.
-         Sốt cao mê sảng, say rượu
-         Quá đói, quá no, quá khát
Những nơi được làm giác là những vùng có cơ bắp đầy đặn và lớp mỡ dưới da vừa phải như lưng, ngực, đùi, bắp chân, không nên giác ở những vùng da quá non hoặc các vị trí như rốn (nơi huyệt thần khúc), mỏm tim, núm vú, những chỗ da bị dị ứng, nổi mẩn, trầy xước hoặc lở loét, vết thương hở.
            Tuy giác hơi là một biện pháp đơn giản dễ làm nhưng nếu không nắm chắc chỉ định, kỹ thuật và những điều cấm kỵ của phương pháp giác hơi thì thể xảy ra tai biến, nguy hiểm cho sức khỏe. Người dân nếu muốn mua dụng cụ về giác hơi thì cũng cần được hướng dẫn quy củ. Không nên sử dụng dịch vụ giác hơi rong vì ngoài lý do kỹ thuật, chỉ định, chống chỉ định còn vấn đề vệ sinh, không cẩn thận cũng có thể gây lây nhiễm bệnh.
            Bấm huyệt, giác hơi thông qua những kích thích thần kinh, làm giãn mạch máu, điều hòa nội tiết, tăng nhu động của dạ dày- ruột, tăng tốc độ chuyển hóa cơ thể, tăng sản xuất nhiệt và tiêu thụ chất béo. Đây là phương pháp an toàn loại bỏ mỡ thừa và làm giảm béo.
Những điều cần chú ý khi giác hơi:
-         Nắm vững chỉ định và chống chỉ định của giác hơi, các vị trí nên giác và không nên giác.
-         Tư thế người bệnh phù hợp, thoải mái, vị trí giác được bộc lộ rõ
-         Làm sạch da nơi giác hơi
-         Cần giữ ấm, không nên giác ở ngoài trời, ở những nơi quá nóng hoặc quá lạnh để phòng ngừa cảm nhiễm phong hàn, phong nhiệt.
-         Tùy từng vị trí, chọn ống giác có kích thước phù hợp
-         Thao tác chuẩn, nhanh
-         Khi giác bằng lửa không nên để bông thấm quá nhiều cồn phòng trường hợp giọt cồn nhỏ xuống gây bỏng.
-         Sau khi giác hơi, người bệnh cần được nghỉ ngơi trong một thời gian nhất định, tránh hoạt động mạnh, không nên tắm rửa ngay


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét